Quan hệ Việt Nam - Mexico:

1. Tình hình chung: 

Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/5/1975, nhưng từ thập kỷ 1960s, phong trào đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã hình thành và phát triển mạnh mẽ ở Mexico.   Quan hệ chính trị - ngoại giao luôn được duy trì và phát triển tốt đẹp cả trên bình diện song phương và đa phương thông qua trao đổi đoàn các cấp/ngành, cơ chế tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao và sự hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các TCQT/Diễn đàn đa phương; chính giới Mexico, không kể màu sắc chính trị/đảng phái, đều bày tỏ thiện cảm, khâm phục Việt Nam và khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với ta.  

2. Về quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư

Mexico là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ta ở khu vực Mỹ Latinh (sau Brasil); trao đổi thương mại song phương duy trì mức tăng 15-20%/năm trong những năm qua (theo số liệu của Bộ KT Mexico: năm 2012 đạt 1,281 tỷ USD, trong đó ta xuất gần 1,2 tỷ USD gồm các mặt hàng chính: quần áo, giày dép, máy tính, thiết bị điện và điện tử, thủy sản, café, đồ gỗ nội thất, sản phẩm nhựa…; nhập từ Mexico gần 100 triệu USD gồm các mặt hàng chính: máy móc - thiết bị, hàng điện tử, phân bón, sắt thép, thức ăn gia súc, nguyên liệu phục vụ sản xuất dệt may và giày dép, hóa chất, bột nhựa…). Về đầu tư, hai bên đều có môi trường đầu tư thuận lợi, nhưng vẫn tập trung ưu tiên   đối với các khu vực/đối tác truyền thống nên đến nay, chưa có dự án đầu tư đáng kể nào của nước này ở nước kia.     

3. Tiềm năng hợp tác với Việt Nam:

(i) Thuận lợi: Hai nước đều là các nền kinh tế phát triển năng động và độ mở cao, thị trường nội địa lớn (Mexico hiện có khoảng 118 triệu dân) và khá dễ tính, cùng tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế và liên khu vực, nhất là APEC và TPP…; Mexico có vị trí địa kinh tế chiến lược nêu trên và ngày càng cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đóng vai trò cầu nối cho mở rộng quan hệ KT-TM với khu vực CÁ-TBD và là cửu ngõ vào thị trường Bắc Mỹ, trong khi ta cũng điều kiện và vai trò tương tự ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

(ii) Khó khăn: Hai bên chưa thực sự quan tâm tới thị trường của nhau vì còn tập trung khai thác các thị trường lớn, truyền thống và khu vực của mỗi bên; khoảng cách địa lý xa xôi; thiếu thông tin và hiểu biết về tập quán thị trường; khác biệt ngôn ngữ và phần nào là tiềm lực của đa số doanh nghiệp/đầu tư của hai nước còn hạn chế.

(iii) Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng với Việt Nam: Về thương mại và đầu tư, các DN ta có thể mở rộng thâm nhập và tăng cường xuất khẩu sang thị trường Mexico các sản phẩm công - nông nghiệp trong cơ cấu hàng XK của ta như đã nêu thông qua các hợp đồng trực tiếp và/hoặc thiết lập đại lý phân phối sản phẩm cho địa bàn và khu vực; tranh thủ vị trí địa kinh tế và điều kiện địa lý tự nhiên của bạn, tính khả năng đầu tư sản xuất hàng hóa tại Mexico dưới hình thức 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh để vừa tiêu thụ tại thị trường nội địa, vừa xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ và khu vực Trung - Nam Mỹ, nhất là các mặt hàng tiêu dùng (đồ gỗ nội thất, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện tử và điện gia dụng…), nông - lâm - thủy sản (rau quả, café, cá - tôm…); Mexico đang đẩy mạnh tiến trình cải cách cơ cấu nên sắp tới ta cũng có thể tìm kiếm được cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực dầu khí, viễn thông và khai mỏ.  

4. Hướng dẫn về hợp tác kinh tế với địa bàn:

Để tăng cường hợp tác, khai thác tiềm năng và thế mạnh về KT-TM và đầu tư của địa bàn, các tổ chức, doanh nghiệp ta cần:

- Tìm hiểu rõ luật pháp sở tại, nhất là về các lĩnh vực KT-TM và đầu tư, cũng như văn hóa, tập quán làm ăn và tiêu dùng của thị trường.

- Cung cấp cho Bộ Ngoại giao và CQĐD ta tại Mexico về thế mạnh, năng lực sản xuất và xuất khẩu ngành/hàng cụ thể, đầu mối liên hệ (e-mail, điện thoại, fax); nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa từ địa bàn (nếu có) để CQĐD có thể hỗ trợ quảng bá, giới thiệu đối tác…

- Nghiêm chỉnh thực hiện thỏa thuận/hợp đồng làm ăn đã ký kết với đối tác sở tại để vừa duy trì quan hệ làm ăn lâu dài của doanh nghiệp, vừa đóng góp vào quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước.  

- Bên cạnh những lợi thế, tiềm năng và cơ hội hợp tác với địa bàn nêu trên, Mexico tiếp tục phải đối phó với tình hình an ninh - trật tự phức tạp do các băng đảng tội phạm có tổ chức hoành hành (ma túy, buôn người và vũ khí, bắt cóc…), do vậy, doanh nghiệp ta nên liên hệ trước với CQĐD ta để được thông tin, tư vấn (nếu cần).       

5. Hướng dẫn về hợp tác kinh tế với địa bàn:

5.1. Địa chỉ liên lạc với ĐSQ Việt Nam tại Mexico:

- Địa chỉ: Sierra Ventana No. 255, Col. Lomas de Chapultepec C.P. 11000, Del. Miguel Hidalgo, Mexico D.F., Mexico; Tel: (52-55) 55401632; fax: (52-55) 55401612; e-mail: vietnammexico@gmail.com, vietnam.mx@mofa.gov.vn; Văn phòng Thương vụ: Tel. (52-55) 52540024, email:  mx@moit.gov.vn.

5.2. Một số đường link tới các Website của Mexico:

- Bộ Ngoại giao: http://www.sre.gob.mx;

- Bộ Kinh tế: http://www.economia.gob.mx;

- Hội đồng Doanh nghiệp Mexico về Ngoại thương, Đầu tư và Công nghệ: http://www.comce.org.mx;

- Liên đoàn giới chủ Doanh nghiệp Mexico: http://www.coparmex.org.mx;

- Phòng Phát triển Công nghiệp Quốc gia: http://www.canacintra.org.mx;

- “Kế hoạch Phát triển Quốc gia” của Chính phủ Liên bang: http://pnd.gob.mx;

- Cơ quan Xúc tiến KT-TM&ĐT (ProMexico), Bộ Kinh tế: http://www.promexico.gob.mx;

- Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia: http://www.inegi.org.mx.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​